Tư duy thiết kế là một trong những phương thức khoa học, được tạo ra để giải quyết vấn đề phức tạp nào đó của bạn. Những tình huống không xác định, tiến thoái lưỡng nan, không biết phương hướng xử lý hoặc bế tắc. Bởi tư duy thiết kế giúp thấu hiểu nhu cầu của con người, chính bản thân ta cũng là con người, nên tạo ra lòng trắc ẩn, tính chia sẻ, đặt con người là “hoa của trời đất”. Phát sinh những ý tưởng sáng tạo xử lý các nhu cầu thiết thực của con người, dựa trên sự đồng cảm, tình yêu và hành động thực tế. Tìm hiểu về tư duy thiết kế sẽ giúp bạn tạo ra các phương án hiệu quả hơn trong việc xử lý các vấn đề khó trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc, tình cảm, thậm chí công ty, quốc gia. Sau đây chúng ta cùng khám phá về tư duy thiết kế nhé!.
Trước tiên giới thiệu sơ lược với bạn 5 bước quan trọng nhất trong Tư Duy Thiết Kế.
Bước 1: Chia Sẻ — Trao đi kinh nghiệm, sự hiểu biết, trí tuệ của bản thân để cải tiến cái cũ.
Bước 2: Thấu Hiểu — Từ chia sẻ mới thấu hiểu nhu cầu thực của con người, tìm ra vấn đề rắc rối họ đang gặp phải.
Bước 3: Tìm Cảm Hứng – Khi thấu hiểu con người, sẽ phát sinh lòng trắc ẩn, dẫn tới ý định xử lý các vấn đề của con người, để nó trở nên đơn giản và hiệu quả.
Bước 4: Sáng Tạo — Khi có cảm hứng, bộ não bắt đầu tư duy tạo ra giải pháp phù hợp, khoa học.
Bước 5: Hành Động — Bắt đầu thực hành các giải pháp trong tâm trí, sàng lọc để tìm giải pháp tối ưu.
Đơn giản phải không? Có vẻ như tư duy thiết kế là một phần của triết học nhân quả, có tính nhân quả logic từ bước này dẫn tới bước kia. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá từng bước sau:
Bước 1: Chia Sẻ — Trao Đi Thay Vì Cố Gắng Thu Về.
Bước đầu tiên của tư duy thiết kế này khá quan trọng, giúp bạn giải phóng suy nghĩ, để hướng tới cái nhìn sâu sắc thực tế hơn. Bước này bạn cần phải giải phóng kiến thức chuyên môn, sự hiểu biết của bạn. Tất nhiên rồi!, chúng ta phải có trước rồi mới có thể chia sẻ. Nói cách khác chúng ta cần phải thu thập, tổng hợp thông tin để chia sẻ. Tham khảo nhiều nguồn, từ các chuyên gia, từ trí tuệ bản thân, sau đó chia sẻ, sẽ nhận được phản ứng của người khác, tích cực và tiêu cực. Khi chia sẻ sẽ làm giảm bớt cái tôi của riêng mình, làm cho thuộc tính khách quan phát triển, bản thân sẽ hòa nhập vào môi trường thực tế xung quanh, sẽ hiểu sâu hơn các vấn đề của con người, có những trải nghiệm cụ thể hơn về cảm xúc của con người. Từ đó dễ đạt được cái nhìn sâu sắc về nhu cầu thực sự của con người. Mục đích chính của chia sẻ là để đạt được sự hiểu biết tốt nhất về nhu cầu con người, nhằm cải tiến những cái chưa tốt trở nên tốt hơn. Trở thành nền tảng cho việc phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ phục vụ nhu cầu thực của con người.
Bước 2: Thấu Hiểu — Hiểu Rõ Nhu Cầu, Vấn Đề Cá Nhân Của Con Người.
Ở bước này, là sự chuyển tiếp từ bước chia sẻ, tổng hợp thông tin đã có từ sự chia sẻ. Sau đó phân tích chi tiết theo quan sát, nhận định của bản thân, để xác định tìm ra bản chất vấn đề nhu cầu của con người, tại sao họ muốn điều này, không phải điều kia? Mọi thứ tư duy sẽ xoay quanh những câu hỏi về nhu cầu con người. Đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ hơn.
Ví dụ, bạn chia sẻ một chiếc bánh ngọt cho cô gái mũm mĩm dễ thương. Oh! Em không ăn đâu! Em sợ mập, sợ xấu lắm! Con trai sẽ xa lánh em. Rõ ràng lúc này bạn sẽ hiểu ra: Ah! Cô gái cần cơ thể thon gọn, khỏe mạnh, quyến rũ các chàng trai. Hóa ra cô ấy sẽ cần thực phẩm lành mạnh hơn, cần chế độ thể thao, cần các y phục che đi mỡ thừa. Từ sự thấu hiểu, bộ não sẽ mở ra vô số con đường phát triển suy nghĩ. Điều này dẫn tới mong muốn tìm kiếm các phương pháp xử lý vấn đề. Chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 3: Tìm Cảm Hứng – Xử Lý Các Vấn Đề Chung Của Con Người.
Trong bước này, bởi trước đó đã hình dung con người muốn gì, nên sẽ phát sinh cảm hứng đưa ra các ý tưởng sáng tạo để xử lý vấn đề chung của con người được đặt ra đối với cộng đồng con người rộng lớn hơn. Bước này sẽ tiến hành xem xét, thu thập nhiều thông tin khoa học, các con số thống kê, hình ảnh, lịch sử, kỹ thuật, phục vụ cho việc xử lý yêu cầu mà tâm trí đang đặt câu hỏi. Quá trình này sẽ phát sinh các giải pháp mới, hiệu quả để xử lý vấn đề cụ thể. Sẽ có những liệt kê, bài báo cáo, hình vẽ phác thảo, bằng mọi phương thức khiến não tìm ra các giải pháp khả thi, càng nhiều càng tốt, để có dữ liệu sàng lọc, phân tích, kết luận.
Bước 4: Sáng Tạo—Bắt Đầu Sáng Tạo Vật Chất Cụ Thể.
Khi đã tạo ra các ý tưởng, thể hiện cảm xúc cá nhân, sẽ chuyển tiếp đến bước sáng tạo mô hình. Giống như trong ngành tạo dáng, hoặc kiến trúc, các mô hình thu nhỏ theo tỉ lệ chính xác được xây dựng, nhằm thêm hoặc bớt các chi tiết phù hợp, tính toán chi phí, giá thành, chất liệu. Điều này là quan trọng vì hình thành một vật chất sơ khai ban đầu, cơ sở để tham khảo, cải tiến, thăm dò cảm xúc, thậm chí tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển. Sẽ qua nhiều bước thử nghiệm, thực hành lý thuyết, phát triển, đào sâu hơn nữa các chi tiết, tính thực dụng, phù hợp nguyên lý thị giác, nhân trắc, pháp luật, văn hóa, môi trường, vật liệu địa phương, nguồn cung cấp ổn định hay không ổn định, giải pháp thay thế. Rất nhiều cách thức sẽ được phát triển trong quá trình sáng tạo. Đôi khi dựa trên cái cũ, đôi khi hoàn toàn mới.
Bước 5: Hành Động — Triển Khai Mô Hình, Thử Nghiệm Thực Tế.
Sau khi sáng tạo các mô hình thu nhỏ, đến lúc hành động thực tế. Tạo ra phiên bản thật để đánh giá chất lượng và tính hiệu quả trước khi nhân bản. Đó là một bước khắc nghiệt vì phải thử nghiệm thực tế rất nhiều tính chất, độ bền, sự an toàn, thẩm mỹ, tâm lý, cảm xúc. Đây gần như là bước cuối cùng của tư duy thiết kế. Tuy nhiên vẫn sẽ xẩy ra tình huống lập lại các bước trước đó, khi bước hành động bộc lộ các khuyết điểm, thiếu sót nghiêm trọng. Các bước tư duy thiết kế lập đi lập lại, đôi khi không theo từng bước một, mà nó hoán đổi vị trí, để đạt được đích cuối hiệu quả nhất. Mục tiêu cuối cùng là hiểu biết sâu sắc về con người và sản phẩm vật chất, dịch vụ được tạo ra để phục vụ con người. Chính sự lập lại nhiều lần của tư duy thiết kế sẽ làm tăng nhận thức chính xác, tinh tế hơn thứ muốn tạo ra. Nó giống như quá trình phác thảo, scan lại hình, phác thảo, scan, để chạm tới mức độ gần hoàn mỹ nhất.
Kết Lại
Với những phân tích trên, bạn có nghĩ Tư duy thiết kế là một phần của triết học nhân quả?
Chúng ta tạo ra nhân đầu tiên bằng hành động chia sẻ, quả đạt được là một vật chất cụ thể, sau khi trải qua các bước lập đi lập lại. Sự hiểu biết sâu sắc sẽ hình thành, như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn. Một vòng tuần hoàn phát triển nhận thức, khiến một người bình thường dễ dàng nhìn ra sự thiếu hụt trong hành động, từ đó cải tiến, sáng tạo, nâng cấp. Tương tự như cách mà các hãng điện thoại thông minh phát triển sản phẩm. Luôn tạo ra những điều tưởng như mới, nhưng thực tế bám sát các nhu cầu cũ của người dùng. Sức mạnh mềm của tư duy thiết kế có thể thay đổi cách mà con người làm việc, đề cao tính sáng tạo, khiêm nhường, lòng trắc ẩn, lấy con người làm trung tâm, để tạo ra những thứ hữu ích cho con người. Hệ quả nhận lại là vật chất sẽ được chào đón, cơ hội được chấp nhận sẽ cao hơn. Đó là lý do chúng ta nên thiết kế, bao gồm cả bữa tiệc hẹn hò người yêu, buổi gặp đối tác, kiểu tóc, đôi giầy, thậm chí đồ lót bên trong. Tư duy thiết kế âm thầm hiện hữu khắp nơi, nắm bắt tốt, cuộc sống sẽ được thiết kế theo cách của riêng bạn, đó cũng là một cách giao tiếp với Đấng Sáng Tạo. Tạo ra phong cách sống của riêng mình, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.
– Azdraw.